
Vở ghi hay máy tính. Ai sẽ là “trùm ghi chép” của năm?
01. Mình là một người low-tech. Ngày xưa, nhà mình không có điều kiện để mua máy tính, thậm chí là một chiếc máy tính để bàn cũng không. Mãi đến năm lớp 12, đó là lần đầu tiên mình được biết một chiếc laptop có hình dạng như thế nào!. Từ năm lớp một đến năm lớp 11, mình luôn dùng vở và viết bằng “bút mực”- một cây bút mực đúng nghĩa. Hằng tối, trước khi đi ngủ mình đều lọ mọ bơm mực queen, mang theo khăn lau mực như các bé học tiểu học làm quen với cây bút mới. Nhiều bạn hỏi mình: “Lên cấp ba rồi mà cậu vẫn viết bút mực ? Không sợ không ghi kịp bài à?”. Mình chỉ cười: “Tớ chưa từng viết chậm hay bỏ qua một lời giảng nào của cô cả, cậu yên tâm”.
Sở dĩ mình không viết bút bi vì sợ bút bi sẽ làm hỏng nét chữ của mình, mình vẫn còn nhớ mẹ cho mình đi luyện chữ từ năm 07 tuổi và nét chữ ấy vẫn theo mình đến tận ngày hôm nay. Có những lúc sờ lên ngón tay, vết chai của mình như dày thêm một lớp, mình thường động viên bản thân rằng: “Mức độ chai tay đồng nghĩa với sự chăm chỉ của một người”. Mỗi khi luyện đàn cũng thế, đầu ngón tay của mình sẽ chai , luyện càng lâu, vết chai càng đanh lại và cảm giác đau cũng sẽ dần biến mất. Vậy nên mình đã viết, viết cho đến khi vết chai mất đi cảm giác đau đớn vì phải cầm bút quá nhiều. Phải chăng khi liên tục đối diện với khổ đau, trái tim chúng ta cũng sẽ trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn bao giờ hết?
02. Lên đại học, mình thấy xung quanh bạn nào cũng ghi chép bằng máy tính bảng, laptop, ipad, iphone trong khi mình vẫn dùng bút và vở là phương pháp truyền thống? Vậy là mình bắt đầu suy nghĩ:
- Gõ laptop chắc là sẽ nhanh hơn nhỉ?
- Nếu dùng laptop thì mình không cần phải mang nhiều vở ghi đi nữa?
- Tài liệu học cũng sẽ có sẵn trong đó luôn!
Kể ra cũng tiện lợi thật! Một chiếc laptop nho nhỏ có thể vừa là sách, vừa là giáo trình, cũng là vở ghi. Với khả năng lưu trữ tuyệt vời của mình, laptop có thể giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, công sức (vì laptop thường khá nhẹ). Sau một khoảng thời gian thử nghiệm ghi chép bằng laptop mình đã quyết định sẽ kết hợp cả hai thể loại ghi chép vừa truyền thống vừa hiện đại này. Chúng mình sẽ cùng xem xem ưu nhược điểm của hai phương pháp này là gì nhé!

03. Vở ghi, được và mất:
Bạn sẽ được:
- Sự tập trung:
Khi chỉ có một mình với một cây bút trên tay, việc mà chúng ta có thể làm đó là tập trung vào công việc trước mắt. Mọi xao nhãng sẽ được giảm xuống mức thấp nhất và đây chính là thời điểm vàng để chúng ta rơi vào trạng thái làm việc sâu. Mình có một quan sát khá thú vị đó là mắt chúng ta rất dễ mất tập trung bởi những chuyển động. Bạn cứ để ý mà xem, khi điện thoại của chúng ta phát sáng hoặc nhấp nháy, chúng ta sẽ xao nhãng gần như ngay lập tức để tò mò tìm hiểu xem kích thích ấy là gì? Thật may mắn vì giấy và bút là những đồ vật tĩnh. Chúng hoàn toàn có thể giúp bạn tĩnh tâm và xử lí vấn đề một cách thấu đáo.
- Ghi nhớ thông tin tốt hơn:
Theo một nghiên cứu tại trường đại học Prenciton và đại học California, các nhà khoa học đã khảo sát hai nhóm sinh viên. Một nhóm, ghi chú bằng vở và bút truyền thống. Nhóm thứ hai, ghi chú bằng laptop và các thiết bị điện tử. Kết quả cho thấy nhóm sinh viên ghi chép bằng máy tính không hiểu rõ bài giảng nhiều hơn so với nhóm ghi chép bằng tay. Lí giải cho tình trạng này, các nhà khoa học cho rằng nhóm sinh viên ghi chép truyền thống sẽ phải xử lý thông tin nghe được từ giảng viên, sau đó viết lại theo ý hiểu của mình, trong khi nhóm sinh viên viết bằng máy tính có thiên hướng sao chép nguyên văn bài giảng. Đó là lí do tại sao ghi chép bằng tay có thể giúp bạn tăng khả năng hiểu bài và ghi nhớ kiến thức.
Đọc thêm về lợi ích của việc ghi chép bằng tay tại đây
- Khả năng chữa lành:
Nhiều bạn nghĩ rằng việc viết chỉ là để ghi nhớ thông tin, lưu trữ bài giảng trên lớp. Nhưng với góc nhìn của mình về phương diện tâm lý học, viết là một môn nghệ thuật để chữa lành tâm trí.
Mình bắt đầu viết nhật kí từ năm lớp bốn và cho đến giờ mình vẫn duy trì việc viết mỗi ngày. Mình viết ba điều mình biết ơn, kể lại những câu chuyện nho nhỏ ở trường, ở lớp,…Mình là một người hướng nội và khi gặp những chuyện không vui, thay vì kể lể than phiền với người khác, mình sẽ dành thời gian để viết. Viết giúp mình thấu hiểu bản thân, dám nói lên những điều mà bình thường mình không dám nói. Viết đã cho mình cơ hội soi chiếu, để thấy mình quá đỗi bé nhỏ giữa cuộc đời….
Bạn sẽ mất:
Nhược điểm duy nhất của vở ghi đó là tốc độ viết chậm. Và đây cũng chính là lí do vì sao chúng ta cần chọn lọc ý chính và từ khóa để tránh hiện tượng cố gắng ghi lại tất cả mọi thứ trong bài.
04. Đánh máy thì sao?
Bạn sẽ được:
- Tốc độ ghi chép nhanh:
Tất nhiên điều này sẽ không xảy ra nếu như bạn vẫn đang “mổ cò”.
- Không lo sai chính tả:
Đa phần các ứng dụng ghi chép đều có khả năng kiểm tra, phát hiện lỗi chính tả để bạn kịp thời sửa chữa khi cần thiết.
- Khả năng lưu trữ lớn
Bạn sẽ mất:
- Dễ mất tập trung: Bạn vẫn có thể tập trung trong trường hợp ngắt kết nối mạng và xóa tất cả các ứng dụng xã hội trên máy tính.
- Dễ bị sa đà vào multi-tasking: ( làm việc đa nhiệm)
Bạn đang định gửi mail cho sếp, tự nhiên lại có một email mới xen vào, vậy là bạn quên mất việc phải làm.
Hiện tượng một màn hình 90 cái tabs đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết! Bạn có tin rằng mình có thể làm việc hiệu quả với quá nhiều tác vụ như vậy không?
Và quyết định của mình…
KẾT HỢP CẢ HAI PHƯƠNG PHÁP.
Trên lớp, mình sẽ ghi chép vào vở, khi về nhà tra cứu tài liệu, mình sẽ đánh máy và phân loại tài liệu vào các thư mục khác nhau. Khi họp hành với đối tác, mình luôn mang theo sổ bút và điện thoại. Tuỳ vào tính chất của buổi họp, với những phần sếp nói nhanh, mình sẽ dùng app “Google Keep” để ghi âm, với những phần nào đã take note vào sổ mình sẽ không ghi lại nữa. Mình có một mẹo nhỏ để giảm thiểu sự xao nhãng khi dùng laptop đó là: trước khi tra cứu, tìm kiếm thông tin, mình sẽ viết ra một tờ giấy note vấn đề cần tra cứu. Sau khi tìm xong mình sẽ tắt internet để trở lại bài học.
Tạm kết:
Mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm và phù hợp với hoàn cảnh, môi trường làm việc của mỗi người. Không có mẫu số chung quyết định rằng chúng ta phải làm thế này, phải làm thế kia. Mong rằng khi đọc bài viết nhỏ này, bạn có thể đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân và biến ghi chép trở thành một hành trình thú vị.
Đọc thêm bài viết: Mình đã ghi chép ở trường Luật như thế nào?

