
Phải làm sao khi lỡ học trái ngành?
Nếu có ai nói với em rằng: “Phải học đúng ngành, làm đúng ngành mới không lãng phí” thì hãy khoan nghe lời khuyên đó. Chúng ta cần xem xét định nghĩa “lãng phí” của họ là như thế nào? Lãng phí tiền bạc, thời gian nhưng lãng phí cả một đời người để cố chấp theo đuổi một thứ không phù hợp với mình, tôi gọi đó là “đầu tư mù quáng”.
01. Em nhắn cho tôi: “Chị ơi, bốn năm qua của em thật vô ích và lãng phí! Sắp ra trường mà em chẳng biết mình thích gì? Em chỉ biết là em không thích ngành mà em đang học.” Em không thích Luật nhưng vì kì vọng mà lại cố ép mình. Em đang sống vì điều gì? Em đi học để cho ba mẹ vui, để có một công việc “ổn định” nhà nước, để không phải mang tiếng rằng: “Ôi dào, nghe nói con bé đó tốt nghiệp mấy năm rồi vẫn thất nghiệp!”…
02. Lời tâm sự của em khiến tôi nhớ về câu chuyện của H – một hậu bối khóa dưới của tôi. Em có xuất phát điểm là mơ ước của bao người, có gia thế, tài năng và học thức. Thời điểm điền nguyện vọng đi thi, em cũng như bao sĩ tử khác phân vân giữa những ngã rẽ cuộc đời. Vậy là Luật hay Báo chí?H đã chọn Luật.Những năm tháng sinh viên của em trôi qua nhạt nhòa tưởng chừng không một chút dấu ấn, cho đến khi ước mơ của em dần dần được lộ diện. Đầu năm 2021, tôi thấy em bắt đầu thử sức với một vài cuộc thi MC: Sparkling và Speak up. Lọt vào top 20 Speak Up, tôi vui vì em đã có thể xóa đi bức màn sương về sự vô định trong sở thích của mình. Em học Luật nhưng vẫn nuôi trong mình giấc mơ trở thành một MC. Nuôi dưỡng ước mơ là một hành trình dài cô độc. Ở đó chỉ có mình em, chịu đựng tất cả những đau đớn tủi hờn, để khi em tỏa sáng trên sân khấu, mọi người chỉ cần chiêm ngưỡng thành quả của những giọt mồ hôi.
Họ đâu biết…Ban ngày em đi làm, đi học. Tối về luyện giọng.Những bài dẫn mà em biên tập, chằng chịt những vết gạch xóa đỏ xanh “Chỗ này không ổn, chỗ kia dài dòng quá! Phần này có thể phân tích sâu sắc hơn được không?” Trên mặt bàn, ngổn ngang những tờ nháp bị em vo viên bỏ xó vì viết quá tệ. Ngày đi thi đã đến. Sau hàng giờ âm thầm luyện tập, em đứng trước gương tự hỏi “Không biết mình có làm được không?”. Em sợ lắm! Dù tự tin đến mấy thì khi đứng trước đám đông, con người ta cũng không thể tránh khỏi sự bất an xâm chiếm lúc ban đầu. Chưa kể có những bạn thí sinh ưu tú hơn em, họ học đúng chuyên ngành Báo chí. Họ có lợi thế là xuất phát điểm mà em không có. Nhưng em không chấp nhận để sự tự ti áp chế mình. Em tìm cách lấp đầy những lo âu bằng những buổi workshop, những buổi café với những bậc tiền bối trong ngành, em học hỏi và rút kinh nghiệm từ lỗi sai. Từ khóa chỉ là “không ngừng cô gắng”. Chúng ta chỉ sợ những điều chúng ta chưa hiểu. Để rồi, giờ đây, trước mặt tôi không chỉ là một người MC chuyên nghiệp mà còn là một Founder của một Câu lạc bộ MC có tiếng.Có lần tôi hỏi em: “Nếu em được chọn lại, em có vào Luật không?”. Em gật đầu, nói “ Có”.” Em thấy những ngày tháng học Luật rèn luyện cho em tư duy hệ thống, tư duy phản biện về một vấn đề, giúp cho em vừa có cái nhìn tổng quan, vừa có góc nhìn chi tiết. Tư duy này trong bất kì lĩnh vực nào cũng có thể áp dụng, kể cả là MC”. Vậy nên, em vẫn sẽ học Luật thật tốt, sau này học thêm văn bằng hai Báo chí, vừa thỏa mãn đam mê, vừa không lãng phí khoảng thời gian vừa rồi!”.
Nếu có ai nói với em rằng: “Phải học đúng ngành, làm đúng ngành mới không lãng phí” thì hãy khoan nghe lời khuyên đó. Chúng ta cần xem xét định nghĩa “lãng phí” của họ là như thế nào? Lãng phí tiền bạc, thời gian nhưng lãng phí cả một đời người để cố chấp theo đuổi một thứ không phù hợp với mình, tôi gọi đó là “đầu tư mù quáng”.

03. 04 năm đại học của em có phải là lãng phí?
Không, không hề lãng phí. Đó là khoảng thời gian em cho phép mình được sai. Đó là khoảng thời gian để em có thể nhìn lại những gì đã qua và chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp. Đó là những mảnh kí ức để em biết trân trọng thanh xuân của mình. Rồi sau vấp ngã, em sẽ vụng về đứng dậy, lấy tay gạt nước mắt, phủi sạch đi những bụi bặm trên người. Em hãy nhớ: “Muộn còn hơn không”. Nếu chưa tìm thấy đam mê, không sao cả, đó không phải là điều gì to tát. Không có đam mê không đồng nghĩa với việc em là người yếu kém, đáng bị coi thường. Em có mặt trên đời là để kiếm tìm đam mê ấy? Điều em thực sự thích? Điều em thực sự muốn làm? Điều gì khiến em có thể lật tung tấm chăn ấm áp mà dậy sớm? Điều gì khiến em quên ăn chỉ để khám phá tìm tòi?Chúng ta có nhiều sai sót trong đời. Chọn nhầm ngành học cũng chỉ là một trong những sai lầm đó. Ví dụ như khi em đi mua một cái váy, em thấy nó đẹp nhưng khi mua về, mặc lên và không thấy đẹp nữa. Em quyết định bỏ xó. Vậy thôi! Đừng quan trọng hóa việc chọn sai ngành là một lỗi lầm to lớn. Nỗi đau ấy sẽ gặm nhấm trái tim và khiến em dằn vặt bản thân mỗi ngày. Hối hận không phải là cách giải quyết. Ở Việt Nam, việc các bạn học sinh học trái ngành do thiếu định hướng là một hiện tượng hết sức bình thường. Quá khứ đã trôi qua, những gì cần làm đã làm. Mong em hãy bình thản đón nhận và coi đó là một trải nghiệm quý giá.Sai lầm không quan trọng. Quan trọng là em học được điều gì từ sai lầm đó. Những gì cần đến sẽ đến. Bỏ mặc buông xuôi hay kiên cường đứng dậy. Lựa chọn nằm ở em.
04. Tại sao em không thích ngành học hiện tại?
Em không thích ngành học đó hay em đang lấy cớ “không thích” để che lấp đi sự mệt mỏi đang lớn dần. Áp lực bài vở, thầy cô khó tính, bố mẹ không hiểu mình, cơ hội việc làm không như ý,…Em mơ tưởng đến một ngành nghề khác tự do hơn, hợp với em hơn. Em có chắc là mình không ảo tưởng về ngành nghề mới mà em đang hướng tới? Người ta nói: “Chọn ngành, chọn trường như chọn người yêu” là thế. Em sẽ phải gắn bó với người ấy bốn, năm năm. Sau một, hai năm đầu vỡ mộng, em nhận ra mình sẽ phải sống sao để níu kéo mối tình chênh vênh ấy. Nguyên nhân của tình trạng này thường là:+ Không tìm hiểu kĩ -> Ảo tưởng về ngành học. ( chọn đại một ngành vì nghe tên rất ngầu)+ Không có chính kiến khi lựa chọn (nghe theo lời cha mẹ, hoặc sự áp đặt ý kiến của ai đó?)+ Không biết mình thích gì…
05. Làm sao để theo đuổi ngành học yêu thích?
Hãy cho mình một đường lui
Đừng vội bỏ ngang những gì em đang học. Hãy bảo lưu kì học để em có thời gian tĩnh tâm chuẩn bị cho những biến chuyển sắp tới. Dành thời gian để trải nghiệm nhiều hơn cũng là cách tốt để em tìm kiếm xem bản thân thực sự thích và muốn học điều gì?Tôi có một tiền bối. Chị là sinh viên kinh tế của trường đại học có tiếng trong Sài Gòn. Chị học marketing cũng chỉ vì ba mẹ chị thích thế! Hôm bữa nhắn tin hỏi thăm, tôi mới biết chị đang bảo lưu một kì. Chị đang muốn trải nghiệm và nghiên cứu về ngành tâm lý. Chị kể với tôi về dự án viết cộng đồng mà chị tham gia “Em nghĩ sao về việc dùng con chữ để chữa lành tâm trí?”. Đã lâu lắm rồi, tôi mới được nghe tiếng cười của chị, một giọng nói hào hứng vui tươi khi chị kể cho tôi nghe về những câu chuyện, những con người xa lạ, họ có một quá khứ đầy rẫy đau khổ, tổn thương, nhưng lại có thể tìm thấy nhau và chữa lành qua từng con chữ. “ Em ạ, lần đầu tiên chị cảm thấy hanh phúc, khi mình có thể dùng hiểu biết và trái tim của mình để giúp đỡ một ai đó”. Tôi chợt nhận ra rằng: “À, cốt lõi của giáo dục, chính là tạo ra những con người biết thấu cảm chứ không phải là một cái đầu nhiều chữ”. Sau dự án đó, chị vẫn tiếp tục quay trở lại trường. Những giờ học marketing nhàm chán đã được chị phủ lên một màu sắc mới, chị đã bắt đầu trăn trở “Làm sao để tạo ra những sản phẩm truyền thông mang đậm chất nhân văn, có chiều sâu và chạm đến trái tim khán giả một cách tự nhiên nhất?”Chị không ghét marketing, chỉ là chị cần một góc nhìn khác về ngành của mình. Thầy cô không thể chỉ cho chúng ta góc nhìn để yêu một ngành nghề hay một môn học nào đó. Chỉ có trải nghiệm mới giúp ta nhìn lại khoảng thời gian đã qua và đưa ra quyết định. Một là buông xuôi. Hai là bước tiếp.Chuyển ngànhTùy vào yêu cầu của mỗi trường đại học mà điều kiện chuyển ngành lại khác nhau. Tôi nghĩ rằng trước khi quyết định chuyển, em nên chuẩn bị kĩ về mặt tâm lý, tìm hiểu kĩ về ngành học mới, những rủi ro có thể xảy ra nếu em không tiếp tục theo đuổi nó. Em cần xác định xem, mình chuyển ngành là vì ham muốn nhất thời hay vì định hướng nghề nghiệp dài lâu?
Học văn bằng hai
Mặc dù đang học Luật nhưng tôi cũng đang học thêm một văn bằng hai về Tâm lý học. Ban ngày tôi học chuyên ngành chính, tối về lại lọ mọ lên lớp nghiên cứu tài liệu học thêm. Học văn bằng hai song song với chuyên ngành đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ, em sẽ cần tính kỉ luật cao và sắp xếp thời gian hợp lý. Ở lớp, tôi được làm quen với những anh chị lớn tuổi hơn mình, có những người vừa đi làm vừa chăm con, tối đến lớp vẫn học bài đầy đủ. Tôi còn trẻ, chưa có nhiều vướng bận. Nhìn các anh chị tiền bối, họ còn gia đình, sự nghiệp, còn trăm thứ phải lo, vậy mà họ vẫn quyết tâm theo đuổi con đường tri thức học hành. Những khi nuông chiều bản thân, tôi lại lấy tay cốc vào đầu mình nhắc nhở: “Gì đây, mình đã nỗ lực bằng ai chưa mà cho phép bản thân lười biếng!”, nói rồi lấy sách ra đọc bài. Học văn bằng hai có ưu điểm, đó là học xong, bạn sẽ được cấp bằng và ghi vào CV để hoàn thiện năng lực và trình độ học vấn.
Tự học, học online
Với tôi, khái niệm học không nhất thiết là phải đến trường hay có thầy cô dẫn dắt. Home-schooling, tự học tại nhà, học trực tuyến là một giải pháp hữu ích, tiết kiệm chi phí, thời gian. Chúng ta có thể duy trì đam mê bằng những khóa họ online miễn phí và có phí, tham gia các cộng đồng giao lưu trên facebook, insta để chia sẻ những băn khoăn lo lắng và tìm kiếm những người bạn đồng hành.
Tạm kết:
Dù em là ai? Học sinh, sinh viên, du học sinh, hay là người đã đi làm, có gia đình. Chúng ta cũng luôn chỉ là những đứa trẻ tò mò bước đi trên con đường học vấn. Đừng nghĩ rằng thi đại học xong là xong, tốt nghiệp xong là xong! Học tập là quá trình cả đời, là hành trình độc bước mà em phải tự vấn bản thân để tìm ra đáp án.
Những gì chúng ta biết trong ngày hôm nay sẽ lỗi thời vào ngày hôm sau. Nếu ngừng học tập, chúng ta sẽ ngừng phát triển
dorothy billington
What we know today will be obsolete the next day. If we stop learning, we will stop growing. (Dorothy Billington).

