
05 cách giúp bạn vượt qua nỗi sợ viết

“Sợ viết”- hội chứng “kinh điển’ không chỉ xảy đến với những newbie khi mới chập chững bước vào ngành content, đó còn là nỗi ám ảnh của những lão làng đã từng viết rất nhiều. Thậm chí là cả những cây bút kì cựu đã đạt nhiều giải thưởng lớn.
Câu hỏi đặt ra là:
Viết có đáng sợ như bạn nghĩ không?
Và giải pháp nào cho hội chứng “sợ viết”?
Table of Contents
Hiểu đúng về nỗi sợ viết
Chúng ta thường sợ hãi và lo lắng trước những vấn đề mà chúng ta không hiểu rõ. Ví dụ, mình từng rất sợ nói khi đứng trước đám đông, sợ khi bị phỏng vấn, sợ những nơi đông người,… Nỗi sợ không cần lí do, chúng chiếm lấy tâm trí của chúng ta một cách dễ dàng và đầy thuyết phục.
Muốn phá tan rào cản của sự sợ hãi, chúng ta phải hiểu về nó.
Vậy sợ hãi là cảm giác gì?
Sợ hãi được định nghĩa là cảm xúc tiêu cực khi bạn nhận thức được mối đe dọa sẽ xảy ra theo chiều hướng bất lợi.
Cụ thể trong lĩnh vực viết, khi mới bắt đầu là một newbie, bạn sẽ luôn nghĩ rằng
“Liệu thứ mình viết ra có đủ hay”
“Mình có nên công khai bài viết không?”
“Những gì mình mình viết có được đón nhận không?”.
Bạn sợ phải đối mặt với trang giấy trắng, đối mặt với sự trống rỗng vì bí ý tưởng, bạn sợ những áp lực vô hình khi bài viết của bạn được công khai…
Nỗi sợ đến một cách tự nhiên, chúng reo rắc vào tâm trí của chúng ta những kịch bản tồi tệ:
“Nếu mình không làm tốt, mình sẽ bị cười chê, thậm chí là “ném đá”
“Bỏ cuộc đi, mình không làm được đâu”
“Mình chưa có kinh nghiệm gì cả, làm sao để bắt đầu?”
“Mình dốt văn lắm, không thể làm content!”
Cảm xúc sợ hãi thường lặp đi lặp lại khiến bạn không khỏi bồn chồn, lo lắng. Thậm chí mức độ sợ hãi sẽ tăng dần theo thời gian dẫn đến tình trạng căng thẳng của não bộ.
Nếu bạn đang rơi vào trạng thái sợ hãi khi viết, đừng lo lắng, vì hội chứng “sợ viết” hoàn toàn có thể cải thiện và khắc phục.

Dấu hiệu cho thấy bạn đang sợ viết
Hãy cùng xem bạn có đang mắc phải hội chứng sợ viết “kinh điển” này không nhé!
- Trước khi đặt bút viết hoặc đánh máy, bạn thường lo lắng rất nhiều
- Trong đầu bạn đặt ra rất nhiều câu hỏi về viễn cảnh trong tương lai, đặc biệt là sau khi công khai/xuất bản bài viết. Viễn cảnh ấy đa phần là tiêu cực.
Ví dụ: Sau khi post, bài bị flop, không có ai tương tác, không được đón nhận, bị ném đá…
- Không biết viết gì để bắt đầu, loay hoay với sự trống rỗng của tâm trí….
Bất kì người viết nào cũng đều trải qua cảm giác này, nên hãy yên tâm vì bạn không phải là người duy nhất. Dù là nhà sáng tạo nội dung hay content creator nhiều năm kinh nghiệm, họ cũng ít nhiều rơi vào trạng thái sợ hãi này để tái tạo và hình thành ý tưởng mới.
Nỗi sợ viết phát triển theo từng giai đoạn của sự nghiệp
Có ba cấp độ của nỗi sợ mà mình muốn chia sẻ, đi kèm với 03 giai đoạn thăng tiến của một người viết.
Cấp độ 01: Newbie (Người mới bắt đầu)
Họ thường có những biểu hiện như:
- Tự ti về năng lực của bản thân
- Không biết bắt đầu như thế nào
- Không có kinh nghiệm
- Viết tùy hứng (thích thì viết, không thích thì thôi!)
Chính vì phụ thuộc vào cảm hứng nên tần suất lên bài của newbie thường không ổn định, cộng thêm việc thiếu tư duy, kinh nghiệm thực tế. Từ đó, dẫn đến sự lo lắng khi xuất bản/ công khai bài viết cũng như sự dè dặt khi thể hiện cái tôi của tác giả trong trường hợp gặp phải ý kiến phê bình, góp ý trái chiều.
Cấp độ 02: Mid-level (Tầm trung)
Là cấp độ dành cho những người đã có kinh nghiệm viết lách từ 01-03 năm. Họ là những người có khả năng viết ở bất kì đâu, bất kì thời điểm nào mà không cần phụ thuộc vào cảm hứng.
Tuy nhiên, khi đạt đến trình độ tầm trung, họ sẽ rơi vào sự so sánh trình độ của bản thân với những người viết “giỏi hơn” và nhận ra thiếu sót của mình.
Họ sẽ bắt đầu lo lắng:
“Liệu rằng mình viết có đủ tốt?”
“Liệu rằng bài viết của mình có thể đáp ứng được yêu cầu của brand”
“Bài viết của mình có thể đạt KPI về doanh số hay không?”
“Những bài viết/sản phẩm của mình có bắt kịp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng?”
Nếu tiếp tục loay hoay với những câu hỏi đó, họ sẽ rất khó để tạo ra sự đổi mới và những ý tưởng đột phá.
Thứ quý giá nhất mà một người làm sáng tạo cần có đó là niềm tin vào chính bản thân mình.
Khi bạn hoài nghi vào năng lực của bản thân, bạn nghĩ rằng “mình không đủ tốt”, “mình không thể đáp ứng nhu cầu của thị trường”, đó cũng là lúc bạn chấp nhận sự đào thải.
Cấp độ 03: Master – chuyên gia
Ngày trước mình từng nghĩ: “Chuyên gia thì không sợ gì cả!” nhưng mình đã lầm. Khi sở hữu những lượng fan hùng hậu, viết nên những tác phẩm xứng tầm, các nhà văn nổi tiếng luôn đứng trước áp lực phải làm sao cho tác phẩm sau hứa hẹn sẽ hay hơn tác phẩm trước gấp nhiều lần.
Càng trở thành chuyên gia, kì vọng trên vai họ càng lớn.
Nỗi sợ xuất phát từ sự kì vọng, yêu mến của độc giả.
Nỗi sợ đến từ chính kì vọng của người viết đặt lên mình. “Làm sao phải tốt hơn, tốt hơn nữa!”
Có lẽ bạn đã từng hâm mộ một người viết sáng tạo không ngừng nghỉ, một ngày viết vài nghìn chữ, hay một content creator luôn luôn bắt kịp trend, post bài liên tục…
Làm sao để có thể viết nhiều như vậy?
Làm sao để luôn dồi dào ý tưởng như thế?
Bạn biết không, những nhà văn nổi tiếng cũng đi lên từ việc viết mỗi ngày, viết thật nhiều để tìm ra những câu từ đắt giá. Để có một bài post, một tấm ảnh lung linh trên insta, người nghệ sĩ đã phải bỏ đi không biết bao nhiêu bức ảnh thừa. Để viết một dòng status cực chất, người viết đã dành cả tiếng đồng hồ để brainstorm.
Bạn ngưỡng mộ những chuyên gia nhưng bạn đâu biết rằng họ cũng giống bạn. Họ dám bắt đầu. Họ viết, Đều đăn viết. Mỗi ngày. Họ kiên trì viết trong sự vô hình. Không độc giả, Không những lời tán dương. Đôi khi họ còn nhận lại tất cả những lời bình phẩm tiêu cực, ném đá.
Bạn viết không phải để trở thành một nhà văn.
Bạn viết, trước tiên, là vì
Bạn muốn viết.
Vậy làm sao để vượt qua nỗi sợ viết vô hình này?

05 cách để vượt qua nỗi sợ viết
Khi bắt đầu bước chân vào một lĩnh vực mới mẻ, bạn sẽ không khỏi lo lắng. Ngày trước, khi bắt đầu viết lách, mình cũng giống bạn.
Mình chỉ bắt đầu với một lí do đơn giản: Mình muốn viết và mình yêu viết. Từ những dòng nhật kí tự viết cho bản thân, mình bắt đầu kể những câu chuyện cuộc sống thường nhật trên một blog miễn phí. Mình cứ viết và bỏ qua tất cả những sợ hãi, những câu hỏi hoài nghi liên tục xuất hiện trong đầu. Nếu bạn vẫn mang trong mình một niềm khao khát được viết, được tạo nên những tác phẩm của chính mình, đừng ngần ngại.
Dưới đây mình sẽ chia sẻ với bạn một số cách mà mình đã áp dụng để có thể vượt qua nỗi sợ viết:
01. Cứ viết đi!
Cách tốt nhất để vượt qua sợ hãi là đối diện với nó. Nghe có vẻ hơi nghịch lí nhưng bạn hãy thử một lần cố chấp và làm những điều mà bạn vẫn luôn sợ hãi xem sao.
Khi vượt qua thử thách ban đầu, bạn sẽ thấy: nỗi sợ chỉ là sự tưởng tượng tiêu cực mà bạn đang tự áp đặt lên mình.
Trước khi viết hay, bạn cần viết đều, viết đúng
Để có được chất lượng, bạn cần phải có số lượng. Viết đủ nhiều. Liên tục. Ngày nào cũng như ngày nào.
Để đi được lâu dài với nghề viết, bạn không thể chỉ dựa vào cảm hưng. Cảm hứng có thể đến rồi đi. Thứ bạn cần là sự cam kết và kỉ luật.
Khi bạn biến sở thích thành một thói quen, thói quen sẽ tạo ra kĩ năng. Kĩ năng là một yếu tố quan trọng giúp bạn trở thành một người chuyên nghiệp.
Bất kì một người viết nào cũng đòi hỏi sự kỉ luật và coi đó là điều tất yếu.
Hãy coi viết là một hành trình khám phá bản thân. Bạn có thể giống như mình, luôn mang theo bên cạnh sổ, bút, giấy note để có thể ghi chú ở bất cứ đâu, liên tục quan sát xung quanh hay đọc sách để tìm kiếm ý tưởng.
Đừng đề cao sự hoàn hảo khi bạn mới bắt đầu đặt bút, bạn không cần kì vọng, chỉ cần viết ra tất cả những gì bạn nghĩ, không dừng lại, không suy nghĩ. Bất chấp việc bạn có thể viết dở tệ, bài viết không đáng đọc, diễn đạt lủng củng,…
…
Việc chỉnh sửa câu từ, biên tập bài viết. Hãy để sau!
Cứ viết đi!
02. Nhớ rằng ai đó sẽ cần bài viết của bạn
Đã bao giờ bạn nghĩ những gì mình viết ra sẽ không được ai đón đọc. Bạn nghĩ rằng câu chuyện mà bạn viết thực ra rất bình thường, ai cũng có thể viết được. Bạn nghĩ rằng ở ngoài kia đã có nhiều người viết về chủ đề này rồi, làm gì đến lượt mình?
Bạn hãy thử nghĩ lại một chút xem “Tại sao bạn muốn viết?”, chẳng phải là vì bạn muốn chia sẻ cho người khác trải nghiệm của mình hay sao. Những gì bạn viết không có đúng hay sai, nếu chẳng may post bài bị flop thì nguyên nhân có thể đến từ nhiều yếu tố.
Có thể là do chủ đề bạn viết có phổ biến hay không, lượng độc giả quan tâm đến chủ đề này nhiều hay ít, ý kiến của người đọc về vấn đề này như thế nào…
Những gì bạn viết ra, dù là một bài post trên mạng hay một trang nhật kí, mỗi tác phẩm dù lớn hay nhỏ cũng đều mang trong mình một sứ mệnh.
Không có bất kì kiến thức, trải nghiệm nào là vô nghĩa, chỉ là bạn có dám viết và biến ý tưởng đó thành câu chữ hay không.
Khi bắt đầu viết blog, mình chỉ nghĩ đơn giản rằng “Mình sẽ kể lại những câu chuyện về cuộc sống của mình. Chuyện đi học, đi làm, đi chơi, chuyện gia đình,… Những câu chuyện tưởng chừng đơn giản và ai cũng có thể viết nhưng mình vẫn viết.
Ban đầu độc giả của mình chính là ba mẹ, là bạn bè thân quen. Dần dần, mình nâng cao kĩ năng viết, tìm hiểu những chủ đề viết cho các bạn gen Z, chia sẻ về kĩ năng học tập, làm việc,… Đó cũng là lúc mình sở hữu những bài viết viral trong cộng đồng đọc và viết.
Trước khi tỏa sáng, bạn phải trải qua một khoảng thời gian đủ lâu để viết trong sự vô hình.
Vì thế, tin mình đi, ở ngoài kia, vẫn còn ai đó cần bài viết của bạn.

03. Đừng chỉ nghĩ trong đầu, hãy lên kế hoạch
Một trong những lí do khiến bạn sợ viết là bạn không biết phải bắt đầu như thế nào.
Thay vì chỉ suy nghĩ không thôi, bạn có thể lên kế hoạch để tìm kiếm ý tưởng sáng tạo ngay lập tức.
Để bắt đầu một bài viết, bạn chỉ có thể note ra một vài ý đơn giản sau:
- Topic (Chủ đề bạn muốn viết là gì?)
- Angle (Hướng đi bạn muốn triển khai)
- Outline (Dàn ý bài viết, các luận điểm chính)
- Ngày đăng (Date)
- Hình ảnh đi kèm (Nếu có)
Bắt đầu với từng bước nhỏ, nỗi sợ sẽ dần tan biến khi bạn bắt đầu hành động.
04. Không cần để ý quá nhiều đến tương tác
Niềm vui của một người viết là khi tác phẩm của mình được đón nhận. Đó có thể là những lượt like, share, bình luận, những lời cảm ơn, khen ngợi từ phía độc giả… Đó là sự công nhận đem đến cho tác giả nguồn động lực để họ tiếp tục sáng tạo, đọc và viết.
Tuy nhiên, không phải bài viết nào cũng sẽ đạt tương tác tốt. Nếu bạn phụ thuộc vào tương tác để viết thì rất khó để kiên trì dài lâu.
Sự đón nhận của độc giả là yếu tố bên ngoài mà bạn không thể kiểm soát. Bạn chỉ có thể viết, đánh giá, đo lường và rút kinh nghiệm.
Những gì mình đã từng viết, có những bài viral, có những bài chẳng có ai tương tác. Mình không buồn vì chuyện đó. Mình sẽ phân tích, “Tại sao bài viết này không được đón nhận?”. Mình sẽ tìm nguyên nhân để từ đó tìm ra giải pháp.
Dù chỉ có một người đọc bài viết của mình và nhận được giá trị từ đó, mình vẫn sẽ viết và chia sẻ.
Lily trương
“Trước khi tỏa sáng, bạn phải trải qua một khoảng thời gian đủ lâu để viết trong sự vô hình. “
05. Nếu không phải hôm nay thì sẽ là ngày mai
Những người làm sáng tạo thường mang theo một áp lực vô hình. Họ phải viết, phải làm gì đó, họ phải tạo ra ý tưởng liên tục….
Như mình đã chia sẻ, sáng tạo là một hành trình mà người viết cần trau dồi tư duy, kĩ năng, trình độ,….Và tất nhiên, quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian.
Nếu có ngày bạn phải trải qua sự bất lực khi không có gì để viết thì hãy coi đó là một khoảng lặng để tìm kiếm chất liệu và trải nghiệm thêm cuộc sống ngoài kia.
Kết: Nỗi sợ viết không phải của riêng ai
“Sợ viết” là một hội chứng kinh niên mà bất kì người viết nào cũng có thể mắc phải. Hãy nhớ rằng: Bạn không hề cô đơn trên hành trình vượt qua nỗi sợ ấy.
Chỉ cần thấu hiểu nỗi sợ, dùng cảm hành động để đối mặt với nó, nhất định bạn sẽ thành công!
————-
Lily Trương
Đọc thêm những bài viết về rèn luyện kĩ năng viết của mình tại đây.
Tham gia luyện viết cùng mình tại group Newbie tập viết gì?
Nếu bạn cảm thấy hữu ích bạn có thể ủng hộ blog của mình tại đây