
03 cách giúp bạn vượt qua áp lực đồng trang lứa
Có một cách để phá hủy mọi thứ, đó là đem nó so sánh với một thứ khác
khuyết danh
Table of Contents
01. Hé mở về áp lực đồng trang lứa
Từ nhỏ, mình không thích ba mẹ đi họp phụ huynh. Mặc dù thành tích của mình không tệ nhưng cứ mỗi khi đi họp về, câu đầu tiên mẹ sẽ nói: “Đấy bạn A vẫn cao điểm hơn con kìa, cùng học chung một lớp với nhau mà mãi con không thể đứng nhất”. Tại sao người lớn luôn thích đứng nhất nhỉ? Cái gì cũng phải “nhất”, họ muốn khoe với hàng xóm rằng: “Con tôi học giỏi nhất, điểm cao nhất, viết đẹp nhất…”. Nếu con được nhất, người vui là ba mẹ chứ không phải con!
Lên đại học, mình đã tưởng bản thân đã thoát ra khỏi chiếc lồng của sự so sánh, ai ngờ mình chỉ đang rơi vào trong một chiếc lồng định kiến khác mà thôi! Vẫn là những áp lực của kì thi và điểm số, của những năm tháng bận bịu về đề án tốt nghiệp, của những áp lực không tên khi phải ái ngại trả lời những câu hỏi kiểu như: “Sắp ra trường rồi, cháu định xin việc ở đâu?”, “Bao giờ cháu mới có người yêu?”, “Khi nào thì cưới?”…Với mình, chỉ có những người rảnh rang mới có thời gian để tò mò hỏi han chuyện người khác.
02. Định nghĩa về áp lực đồng trang lứa
Peer pressure (Áp lực đồng trang lứa) là khi cá nhân chịu ảnh hưởng của những người thuộc cùng một nhóm xã hội ( cùng độ tuổi, cùng lớp, cùng công ty, cùng chuyên môn…) và phải thay đổi thái độ, giá trị hoặc hành vi của họ để phù hợp với các chuẩn mực của nhóm.
Nếu bạn là học sinh, bạn sẽ phải vâng lời thầy cô, bố mẹ, là con ngoan trò giỏi. Nếu là sinh viên, bạn phải năng động, nhiệt tình. Nếu là con gái, bạn phải nữ công gia chánh, giỏi việc nước, đảm việc nhà. Nếu bạn sắp tốt nghiệp, bạn phải chuẩn bị xin việc, đi làm, lấy chồng, sinh con…và giả dụ như bạn 30 tuổi mà chưa lập gia đình, câu nói mà bạn cảm thấy ngán ngẩm nhất sẽ là “Ơ, thế bao giờ lấy chồng/ lấy vợ?”

Chuẩn mực xã hội (social influence), chủ nghĩa tập thể (collectivism) và mạng xã hội (social media) là nguyên nhân chính để tạo ra chất xúc tác cho hội chứng “Peer Presure”- áp lực đồng trang lứa. Chúng mình cầm điện thoại lên, lướt lướt một lúc thì nhận ra bạn mình đang checkin sống ảo ở quán cafe X, lướt thêm một chút nữa, lại thấy bạn B đang mặc một chiếc váy đẹp, bạn C có thành tích Y….Chúng mình nhìn lại bản thân vào nhận ra rằng: “Mình chẳng có cái gì để đăng lên mạng như thế!”.
“Thua kém” là cảm giác đầu tiên khi bạn ý thức được rằng mình không có những gì người khác có. Mạng xã hội luôn nói với chúng ta:”Tôi không đủ giỏi, không đủ xinh, tôi không làm được, tôi vô dụng quá!…” Có một lí do khiến mọi người luôn than phiền về cuộc sống, đó là vì họ chỉ mải dõi theo cuộc đời người khác và đánh mất đi thời gian thực dành cho cuộc sống của bản thân mình. Bạn thử nghĩ xem, những học sinh ưu tú có dành 02,03 tiếng mỗi ngày để lướt facebook và comment dạo để tranh cãi với một anh hùng bàn phím nào đó?Thay vì ghen tị với cuộc sống của người khác, bạn nên dành thời gian quý giá ấy để nâng cấp chính bản thân mình.
03. Phả bỏ lời nguyền áp lực đồng trang lứa
Áp lực “phải giỏi”, “phải gầy”, “phải xinh”…như những yêu cầu bắt buộc để chúng ta có thể kiếm tìm hạnh phúc. Để giải lời nguyền áp lực đồng trang lứa, mình sẽ tặng bạn 03 câu thần chú mà mình luôn tự nhắc nhở chính bản thân mình:
Thần chú 01 giúp bạn vượt qua áp lực đồng trang lứa
“Tôi là duy nhất” – I am unique
Chúng ta sinh ra không phải là chiếc máy photo để sao chép lại cuộc đời của ai đó. Bố mẹ có ước mơ của bố mẹ, bạn có ước mơ của bạn. Hai điều này vốn dĩ chẳng liên quan gì đến nhau. Những điều người khác thích chưa chắc bạn đã thích. Có thể bạn học không giỏi toán nhưng bạn có thể chơi thể thao rất cừ, có thể bạn không giỏi viết văn nhưng bạn có một trái tim ấm áp và luôn quan tâm đến người khác.
Chúng ta đều có những điểm mạnh, điểm yếu nhưng không thể đánh đồng tất cả ưu khuyết điểm của mọi người. Mình luôn tin rằng mục tiêu của giáo dục không phải là sự nhân bản tính cách mà là đánh thức sự sáng tạo và nuôi dưỡng bản sắc của mỗi cá nhân.
Mình là một người học chậm. Khi nghe giảng trên lớp, hầu như mình không theo kịp bạn bè. Mình nhận ra yếu điểm của bản thân nhưng mình không tự oán trách hay buồn phiền.
Mình chấp nhận sự thật rằng: “Mình tiếp thu chậm hơn so với người khác”. Từ sự tha thứ ấy, mình bắt đầu tập trung vào giải pháp. Mình dành 02 tiếng mỗi ngày để ghi chép lại và chủ động hỏi lại thầy cô. Những phần nào không hiểu, mình đều đánh dấu cẩn thận để chú ý. Việc thấu hiểu bản thân và tìm kiếm phương pháp học phù hợp đã giúp mình đạt được kết quả cao và đánh thức sự tự tin trong mình – vốn đã không còn trong khoảng thời gian dài trước đó.
“Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời con cá đó sẽ nghĩ rằng mình thật ngu ngốc” – Albert Einstein.

Thần chú 02 giúp bạn vượt qua áp lực đồng trang lứa
“Những thứ ấy không dành cho tôi” – That is not for me
Khi ai đó nhờ chúng ta việc gì, chúng ta thường vui vẻ đồng ý. Nhưng nếu đó là những việc chúng ta không thích, bạn có sẵn sàng từ chối thẳng thừng không? Chúng ta sợ sẽ làm mất lòng nhau, một việc cỏn con này có đáng gì?. Bạn biết không, nghệ thuật nói “không” còn khó hơn việc bạn gật đầu nói “có”?
Chúng ta thường ngại ngùng khi vạch ra giới hạn cho những việc mình làm. Ví dụ: mình không uống rượu bia. Bạn B cứ mời mình mãi và mình từ chối thẳng rằng: “ Tớ xin lỗi, tớ không uống rượu bia”. Nghe hơi phũ phàng nhưng việc chia sẻ chân thành giới hạn của bản thân sẽ giúp cho đối phương hiểu rằng : “Đừng ép tôi làm những điều mà tôi không thích”. Lí do của mình là vì sức khỏe. Khi dự tiệc, có bạn bảo mình: “Sao cậu cổ hủ thế!”, “Làm đối ngoại mà không uống rượu thì còn làm ăn gì?”, “Uống một ly cũng có chết ai!”…
Mình bỏ ngoài tai tất cả những lời gièm pha như thế! Cơ thể của mình, sức khỏe của mình, ngoài mình ra không ai có thể chăm lo cho mình hết. Mình sẵn sàng làm mất lòng người khác để nhận về lòng tự trọng và giá trị của bản thân. Mình thấy có nhiều bạn cả nể nên vẫn ép bản thân làm cho xong, một lần thì có thể nhưng sau nhiều lần thỏa hiệp với bản thân để làm những điều bạn không muốn, bạn sẽ đánh đi bản sắc của chính mình.
Khi bước vào một môi trường mới, đôi khi bạn sẽ bị ép phải làm một số việc mà bạn không thích làm, đừng chịu đựng hay cố gắng làm đối phó cho xong, bạn hãy nêu rõ và bày tỏ quan điểm của mình một cách thẳng thắn, chỉ có như vậy, bạn và đối phương mới có thể thấu hiểu và thông cảm cho nhau.
Thần chú 03 giúp bạn vượt qua áp lực đồng trang lứa
“Cứ làm đi “ – Just do it
Đây là slogan của hãng Nike mà mình rất thích. “Cứ làm đi”, cứ đi rồi sẽ đến. Thời gian không bao giờ dừng lại chờ đợi chúng ta chuẩn bị sẵn sàng. Hãy làm những gì bạn muốn, theo một cách riêng chẳng giống ai! Bạn không cần những khuôn mẫu có sẵn hay phải thần tượng một idol nào cả. Từ hôm nay, bạn hãy học cách để trở thành “fan”của chính mình đi nhé!
Có một sự thật rằng chúng ta sẽ không bao giờ có thể loại bỏ hoàn toàn áp lực ra khỏi cuộc sống. Áp lực là một phần không thể thiếu. Nhờ có áp lực, chúng ta sống kỉ luật hơn. Nhờ có áp lực, chúng ta được thức tỉnh khỏi giấc mơ của sự lười biếng. Áp lực sẽ mất đi nếu bạn coi đó là động lực, bởi “Không có áp lực, không có kim cương”.
“ No pressure, no diamonds.”
Đọc thêm bài viết “05 tips đơn giản để tư duy tích cực” tại đây
Tìm hiểu thêm về “Áp lực đồng trang lứa” với bài viết của Vietcetera tại đây

